“Trình độ giáo dục của một dân tộc có thể đánh giá qua thái độ của con người trên đường phố”.
Đó là câu nói của Edmondo De Amicis, nhà văn nổi tiếng người Italy, tác giả Những tấm lòng cao cả, tiểu thuyết kinh điển dành cho thiếu nhi.
Theo tôi, khái niệm “văn hóa khi tham gia giao thông” có thể hiểu một cách ngắn gọn như sau: đó là một bộ phận của văn hóa ứng xử nơi công cộng, là những hành vi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hành vi đó không vi phạm pháp luật, lặp lại nhiều lần và được số đông chấp nhận.
Văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm rất nhiều dạng: dừng đèn đỏ; bóp còi; lái xe trong nội đô; lái xe trên cao tốc; lái xe khi trời mưa hoặc đường ngập nước; nhường đường; ứng xử khi xảy ra va quệt…
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn quan điểm cá nhân về khái niệm “văn hóa nhường đường” dưới gốc độ nhìn nhận của một người công tác trong lĩnh vực đào tạo lái xe.
Tính pháp lý
Pháp luật đã quy định rất rõ ràng bằng các quy tắc nhường đường khi tham gia giao thông, ví dụ như phải nhường đường cho xe ưu tiên, khi đến ngã tư đồng cấp thì phải nhường đường cho xe đến từ bên phải hoặc khi vào vòng xuyến thì phải nhường đường cho xe đến từ bên trái (với điều kiện khi hai xe đến cùng một lúc) hoặc xe xuống dốc phải giảm tốc độ nhường đường cho xe đang lên dốc…
Tính cộng đồng
Chính là cách xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Điều này thể hiện qua việc chúng ta cần phải có thái độ hòa nhã, nhường nhịn khi lái xe trên đường, phải biết nhường đường cho người già, phụ nữ mang thai hoặc là phụ nữ đang chở trẻ nhỏ…
Để trở thành một người lái xe giỏi, bạn cần phải hội tụ đủ ba yếu tố: kiến thức – kỹ năng – thái độ.
Kiến thức: bao gồm sự hiểu biết về pháp luật giao thông đường bộ, những kiến thức cơ bản về cấu tạo và kỹ thuật của xe, phương pháp bảo dưỡng, vận hành xe.
Kỹ năng: Kỹ năng thuần thục để vận hành và điều khiển xe trên đường.
Thái độ: Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, có văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp khi tham gia giao thông.
- Cách người đi bộ cảm ơn tài xế nhường đường 87
Qua bài viết này, tôi xin được kể lại với các bạn câu chuyện sau:
Hôm rồi có một bạn học viên nữ vừa thi đậu, lấy bằng lái rồi và mới mua một chiếc xe bốn chỗ, cô ấy gọi điện thoại mời và chở tôi đi uống cafe để hỏi thêm về một số tính năng của xe (kỹ năng lái xe của bạn nữ này rất tốt). Chúng tôi đi từ đường Hồng Bàng (TP HCM) hướng về khu Tên Lửa, vào vòng xoay Phú Lâm rồi, chuẩn bị thoát ra vòng xoay để đi thẳng theo đường Kinh Dương Vương.
Lúc này, tôi quan sát bên tay phải (hướng từ đường Bà Hom) có một xe bốn chỗ Mercedes màu trắng đang chạy với tốc độ hơi nhanh về phía vòng xoay. Theo phản xạ nghề nghiệp tôi nhấc mũi giày lên định đạp phanh phụ, nhưng không có (tôi chợt nhớ ra đây không phải là xe tập lái của mình). Tôi vội cầm cần phanh tay và nhắc như ra hiệu lệnh: “Giảm tốc độ, nhường đi em!”. Theo phản xạ cô ấy cũng giảm tốc độ và nhường đường, chiếc xe màu trắng lướt qua…tôi còn kịp nhìn thấy nụ cười đắc ý của anh chàng lái xe khi chạy cắt ngang đầu xe chúng tôi.
Đến quán cafe vừa ngồi xuống cô ấy liền hỏi tôi với giọng điệu hơi bực tức: “Thầy! Hồi nãy khi xe em vào vòng xoay Phú Lâm, chiếc xe màu trắng đó bên tay phải mình tức là xe mình bên tay trái của xe đó và xe em cũng đã vào vòng xoay trước rồi thì xe đó phải nhường cho mình đi trước mới đúng luật chứ thầy? Sao thầy lại bảo em là giảm tốc độ để nhường đường?” Tôi nhìn cô ấy cười và hỏi lại: “Hồi nảy nếu em không nhường đường thì anh tài xế đó có xử lý kịp không?”
“Dạ, chắc là không”, cô ấy trả lời.
Tôi nói tiếp: “Tình huống vừa rồi nếu em không nhường thì một là xe đó sẽ tông vào hông bên phải xe của em, hai là tài xế đó đánh lái tránh xe em biết đâu lại va quẹt vào những xe máy chạy gần đó thì sao?”
Cô học viên ngập ngừng có vẽ như đang suy nghĩ, tôi nói tiếp: “Đúng là trong tình huống vừa rồi thì chiếc xe màu trắng đó phải giảm tốc độ để nhường đường cho xe em qua trước mới đúng luật nhưng thầy vẫn bảo em nhường bởi vì: Thứ nhất, xe em đang chạy rất chậm nên mình chủ động nhường đường sẽ dễ hơn và cũng để tránh vạ lây cho những xe máy xung quanh. Thứ hai, thầy nhìn biển số xe 51LD… nên thầy suy đoán là anh tài xế xe đó là người lái thuê chứ không phải chủ. Nếu xảy ra va quệt trong tình huống vừa rồi, chắc chắn xe đó lỗi hoàn toàn, người lái xe đó phải bồi thường chi phí sửa chữa cho xe của em. Một điều quan trọng nữa là biết đâu qua tình huống va quệt vừa rồi anh tài xế đó bị đuổi việc, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến gia đình vợ con anh ta ở nhà….thì sao…? Thứ ba, xe em mới mua đẹp như vậy, bị va quệt xui lắm”.
Cô học viên có vẽ còn ấm ức chưa chịu thôi, nên tôi nói tiếp: “Học võ là để biết cách né đòn chứ không phải học võ là để tấn công người khác nha em. Em có thấy là chỉ cần một động tác rà phanh nhường đường vừa rồi của em đã giải quyết tốt đẹp hết mọi vấn đề hay không?”
Cô học viên lúc này mới chịu cười, một nụ cười thật tươi và nói: “Cám ơn thầy, giờ thì em đã hiểu thế nào là văn hóa nhường đường rồi ạ!”
Chúng tôi kết thúc câu chuyện và ra về. Ngoài trời, chiều hôm đó không mưa và mây thì rất đẹp…
Hãy lái xe bằng cả trái tim bạn nhé!
Nguồn: VnExpress